Dịch vụ cho thuê địa điểm tổ chức sự kiện
Học tập trải nghiệm
Dịch vụ cắm trại
CLB Vẽ nặn thiên nhiên
Check in thiên nhiên

 

 

Chào mừng bạn đến với

 

CÔNG VIÊN THỰC VẬT CẢNH VIỆT NAM

Trang chủ » Về chúng tôi » Giới thiệu »

Thứ 7, Ngày 07 tháng 08 năm 2021, 16:40

Lịch sử hình thành Công viên thực vật cảnh Việt Nam

Về một con người, một nghiệp, một cơ duyên

 

Vào một ngày cuối đông của năm 2013, tại cánh đồng Sếu - một cánh đồng hoang dã rậm rạp ven làng Huỳnh Cung (xã Tam Hiệp – Thanh Trì – HN), có một người đàn ông tuổi ngũ tuần, mái tóc hoa râm, khuôn mặt dầu dãi sương gió, đang hướng ánh mắt xa xăm về phía cuối cánh đồng hoang rộng lớn. Ánh mắt ông chan chứa niềm hân hoan và hạnh phúc, bởi trước mắt ông chính là nơi mà ông đã vất vả, gian truân tìm kiếm bấy lâu nay, một nơi để cuối cùng ông có thể an trí mà cống hiến toàn tâm, toàn sức cho những ý tưởng giản dị mà cao cả.

Với tình yêu bao la và ước muốn gắn bó sâu sắc với thiên nhiên, môi trường, ông khao khát mang lại giá trị cho cộng đồng. Và đáng quý biết bao, nơi sẽ hiện thực hóa ý tưởng của Ông lại chính là làng cổ Huỳnh Cung (Cung Hoàng), mảnh đất quê hương đã cho Ông cuộc đời và gắn bó máu thịt từ thuở ấu thơ. Thật là một cái duyên trời định đã đưa ông về đây. Từ đó, cuộc đời ông đã thay đổi. 

 

 

Người đàn ông đó chính là Ông Đào Mạnh Hùng. Mảnh đất năm đó, từ một khu đất hoang hóa lầy lội, sau 7 năm vật vã với sự kiên trì, nỗ lực bằng tất cả bàn tay, khối óc cùng niềm say mê vô tận với thiên nhiên hoa lá, ông Hùng và những người trợ giúp đã biến nó trở thành Công Viên Thực Vật Cảnh Việt Nam. Mục tiêu của ông là rất rõ ràng: “Sử dụng vẻ đẹp của thiên nhiên để lan tỏa đến cộng đồng về thông điệp trồng cây hoa cảnh bảo vệ môi trường đô thị”, cũng là cơ hội “khoe” giá trị văn hóa lịch sử lâu đời của địa phương đến với du khách thập phương.

Ý tưởng và những hành động của ông đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ dân làng và chính quyền địa phương, những người có chung lòng tha thiết với quê hương như Ông. Họ đã không khỏi ngạc nhiên và khâm phục trước những thành tựu, những tiếng thơm mà Ông đã từng bước mang lại cho quê hương mình: Hàng ngàn lượt khách thập phương khắp nơi nô nức đổ về như trảy hội, báo đài liên tục đưa tin đi khắp muôn nơi, cùng với đó là vô số những bằng khen, tuyên dương của các ban, ngành và lãnh đạo thành phố. 

 

 

Chính cái duyên đã đưa ông Hùng về với mảnh đất này, một vùng đất quê hương có bề dày lịch sử gắn liền với ngôi làng cổ Cung Hoàng (Huỳnh Cung ngày nay) và Cánh đồng Sếu - một khu đất có diện tích khá lớn, tọa lạc tại phía Nam của làng.

Nơi đây có đất đai trù phú màu mỡ, do sự bồi đắp bởi sông Tô Lịch chảy qua, cùng với sự cải tạo của con người trong hàng trăm năm lịch sử mà lúa và hoa màu của người dân luôn bội thu. Các đầm ao trũng vùng này với cá tôm dồi dào cũng là môi trường lý tưởng để chim muông khắp nơi tìm về, đặc biệt hơn cả là loài Sếu đầu đỏ, một loài chim hiện đang nằm trong sách đỏ động vật của nước ta. Từng đàn chim và Sếu bay rợp trên những cánh đồng để kiếm ăn và làm tổ, khiến nơi đây từ xưa được gọi với tên “Cánh đồng Sếu”.

Nhưng đáng buồn thay, khoảng 20 năm trở lại đây, do hoạt động khai thác mạnh mẽ của con người và quá trình đô thị hóa quá nhanh khiến môi trường sống của chúng bị thu hẹp dần. Sếu, chim đã vắng bóng trên cánh đồng hoang sơ.

 

 

Ngoài cánh đồng Sếu thì “Đầm Sếu” – nơi trũng nhất cánh đồng - cũng là một di chỉ cổ còn lại đến ngày nay. Đầm Sếu ngày nay tuy không còn lớn như xưa nhưng sinh thái vẫn thuận hòa. Hiện nay, đầm Sếu đã được công viên cải tạo, khoác lên mình bộ áo mới đầy màu sắc bởi những hoa Sen, Súng theo mùa.

Cắt qua cánh đồng Sếu là con đường làng cổ, trục giao thông chính của cả trấn làng và người dân các vùng lân cận từ hàng ngàn năm nay. Trên con đường này, người xưa đã xây dựng lên “Quán Sếu” cổ kính, rộng rãi, thoáng mát làm nơi nghỉ chân. Khi xưa, làng cổ Cung Hoàng chính là nơi thầy Chu Văn An mở trường lớp dạy học (được coi là trường tư thục đầu tiên của Việt Nam). Vì vậy, suốt chiều dài lịch sử, Quán Sếu là điểm dừng chân của nhiều thế hệ các thương nhân, bậc trí sĩ, các văn nhân đến đàm đạo, thăm viếng hay học tập.

 

 

Di tích trường học của thầy Chu Văn An cùng với Đình làng Huỳnh Cung (nơi thờ hai vị Thành Hoàng làng là Đức Linh Ứng Đại Vương con trai của vua Hùng thứ 17, hiệu là Hồng Mang và Hồng Bác) là những địa danh mang dấu ấn lịch sử và giá trị văn hóa rất lớn, nên từ thời phong kiến đã được chọn làm nơi tế lễ của nhiều đời vua thịnh trị. Mỗi dịp như vậy, Quán Sếu lại chính là địa điểm để các quan lại sửa sang lễ vật, áo mũ trước khi vào Đình tế lễ.

Đáng tiếc thay, bão táp lịch sử đã khiến Quán Sếu, Cánh đồng Sếu, Chim Sếu, Đầm Sếu… và cả di tích trường thầy Chu Văn An cũng dần mai một nhạt phai, làm sao tái lập?!

   Nhưng cũng thật may mắn, những di tích cổ này hiện đang dần được gợi nhớ lại và khoác lên mình tấm áo đa sắc màu bởi hàng trăm loài hoa lá, cây cảnh lạ được Ông Hùng sưu tầm, ươm trồng trang trí một cách khéo léo. Con đường làng cổ ngày đó chỉ còn một bờ đất nhỏ, nay đã được bồi đắp dọc hai bên đường với hai hàng cây hoa Tường Vi phong nhã. Trong mấy năm trở lại đây, con đường hoa Tường Vi đã trở thành một điểm du lịch ưa thích của rất nhiều du khách.

Hình ảnh chim Sếu được hóa thân vào logo, trở thành biểu tượng của Công viên thực vật cảnh Việt Nam. Di tích Quán Sếu cũng đã được hồi tưởng bởi tấm bia trấn phong cổ khai quật được dưới lòng Đầm Sếu. Cánh đồng Sếu đang dần được khoác lên tấm áo hoa lá muôn sắc, Đầm Sếu không còn hoang hóa mà tươi sắc 4 mùa bởi hoa Súng hoa Sen....

 

 

Quả thật, sức người với trí tuệ, nỗ lực cùng ý chí và khát khao cháy bỏng rồi cũng đem lại vẻ hồn hậu cho quê hương. Khát vọng đẹp và giải pháp Cây - Hoa - Lá vì môi trường sống đô thị rồi cũng được mọi người biết đến, đón nhận và lan tỏa mạnh mẽ tới cộng đồng. 

Thật thú vị khi nghe Ông nói về khẩu hiệu “Chỉ sống đẹp cùng thiên nhiên” hay khi ông mường tượng vẽ ra ngôi nhà lý tưởng cho tất cả mọi người. Bất kể là ai cũng đều có khát vọng về một “Ngôi nhà sinh thái - Ngôi nhà nghệ thuật”.

Điều đó thật giản dị nhưng cũng thật sâu lắng…!!!

"Chỉ sống đẹp cùng thiên nhiên"
 

Công viên Thực vật cảnh Việt Nam
(Phía sau UBND xã Tam Hiệp - Thanh Trì - Hà Nội)
ĐT: (024)632.87.450 - 0988.716.591 -  09.664.666.11
Zalo miễn phí: 09.6869.6148 - 0988.71.65.91
Mail: parkeden.vn@gmail.com
Liên hệ
0988 716591